Hà Nội bước vào cái nắng đặc biệt gay gắt ngay từ đầu hè - chuyện không còn bất thường vài năm gần đây. Ngày 18/5, trạm khí tượng Hà Đông ghi nhận 41,3 độ C - mốc lịch sử của tháng 5 trong hơn 30 năm. Nhưng đây chưa phải mức nhiệt cao nhất cả nước. Trước đó, nhiều kỷ lục liên tiếp bị xô đổ. Trạm Hồi Xuân (Thanh Hoá) nóng 44,1 độ C ngày 6/5, cao nhất Việt Nam trong 65 năm. Ngay hôm sau, trạm Tương Dương (Nghệ An) lại lập đỉnh 44,2 độ C.
Mấy năm qua, mỗi khi mùa hè tới, guồng quay cuộc sống của ông Nam lại thay đổi. Ông rời nhà từ 4h sáng thay vì 7h, và cố gắng hoàn thành nhiệm vụ nhanh nhất có thể. 15 năm làm thợ điện, ông cảm nhận rõ sự cực đoan của thời tiết thông qua khối lượng công việc lớn dần. Ngày nắng nóng, số cuộc gọi báo sự cố điện về tổng đài gấp 3-6 lần so với ngày thường.
"Nhiệt độ càng tăng, bọn tôi càng phải ra đường nhiều", ông đúc kết, quệt mồ hôi chảy thành dòng trên trán. "Nắng kinh hoàng. Hình như ngày càng dài và gay gắt hơn".
Ký ức của người đàn ông 50 tuổi về mùa hè của thập kỷ trước hiếm thấy những đợt nắng nóng "bất tận" và kiệt sức như mấy năm gần đây.
Dữ liệu tại trạm khí tượng Hà Đông (Hà Nội) từ thập niên 90 cho thấy, cả mùa hè chỉ vài ngày nắng nóng gay gắt (37-39 độ C). Đến tháng 8, Hà Nội vào thu. Số ngày nắng cực đoan chỉ tăng vọt vào 2004, 2010 - những năm có hiện tượng El Nino, kiểu khí hậu tăng nắng, giảm mưa, thường kéo dài 8-12 tháng và xuất hiện 3-4 năm một lần. Nhưng từ năm 2014, Hà Nội liên tục phải đối mặt với mùa hè trên 37 độ C, thậm chí lên tới 42,5 độ C.
Nhiệt độ leo thang còn diễn ra trên diện rộng ở miền Bắc và Trung. Mùa hè ngày càng dài hơn, gay gắt hơn, và liên tục lên nấc thang khắc nghiệt mới.
Cao điểm mùa hè thường rơi vào tháng 3-5 ở phía Nam, tháng 5-7 ở miền Bắc và Trung. Tuy nhiên, số liệu VnExpress thu thập tại 12 địa phương trên cả nước cho thấy, 30 năm qua, nhiều nơi ghi nhận các đợt nắng nóng ngoài quy luật này.
https://cuacuonacdoor.com/binh-luu-dien-cua-cuon